Thuật ngữ Đông_Di

Lý thuyết vũ trụ quan "Trung Hoa" (Sinocentric) có từ thời nhà Chu (cỡ 1046–256 TCN) đưa ra khái niệm "trời tròn đất vuông", coi "thiên hạ" (天下) là bao trùm gồm Hoa Hạ (華夏) ở tâm là người đã giáo hóa văn minh, và bao quanh là các dân tộc Tứ Di (man di mọi rợ) không phải người Trung Quốc, gồm Đông Di (東夷), Bắc Địch (北狄), Tây Nhung (西戎), và Nam Man (南蠻). Các chữ tượng hình chỉ các nhóm này đều có phần biểu thị "sâu bọ thú vật" [2][3]. Ngày nay chữ Hán đã lược bỏ phần biểu tượng này đi, nên trong các chữ Hán dẫn ra ở trên chỉ còn có ở chữ Địch (狄).

Chữ Di bao gồm nhiều nghĩa. Nghĩa chủ yếu là "yên bình". Trong sách Thuyết văn giải tự (說文解字) của người thời Hán là Hứa Thận giải nghĩa chữ Di là "gồm bộ đại và bộ cung", theo đó người Đông Di phát minh cung tên sớm nhất, có tài bắn tên. Cho nên mới nói "Đông Di" là những người bắn tên ở miền đông. Truyền thuyết và sách vở thời xưa ghi chép Hậu Nghệ là thủ lĩnh của người Đông Di. Nhưng chữ Di trong giáp cốt văn và kim văn thời Thương-Chu thực tế gồm bộ "thi" hoặc bộ "nhân", không có bộ "cung". Có người cho rằng quan điểm 'gồm bộ đại và bộ cung' của chữ Di có thể là người thời Hán thêm bớt mà thành đến nay. Thiên hạ trong chủ nghĩa trung tâm của người Trung Quốc thì gọi chung là Tứ Di. Nhưng người Đông Di từ thời xa xưa đã dung hợp với người Hoa Hạ, trong sách vở từ thời Tần-Hán về sau không có ghi chép về quan hệ trực tiếp với người Đông Di.